Mùa dịch không sử dụng xe ô tô lâu ngày, chủ xe lưu ý tháo cọc âm ắc-quy, tiến/lùi ít nhất 10 m, hạ phanh tay/tắt phanh tay điện tử, dùng vật chèn lốp…
Các biện pháp giãn cách xã hội được Chính phủ đưa ra để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Nhiều chủ xe trong giai đoạn này ít hoặc không sử dụng ôtô cần lưu ý chăm sóc xe đúng cách để an toàn khi sử dụng trở lại, hoặc tránh các hư hại khác.
Dưới đây là những lời khuyên cho các chủ ôtô ít sử dụng xe trong mùa dịch do bộ phận kỹ thuật của các hãng Toyota, Mitsubishi, Suzuki tại Việt Nam cung cấp:
1. Đỗ xe mùa dịch
Nội dung chính
– Tránh đỗ xe dưới ánh nắng trực tiếp hoặc dưới trời mưa. Tốt hơn cả là tìm chỗ đỗ có mái che. Tài xế có thể trang bị thêm áo trùm để tránh bụi bẩn, phân chim…, đồng thời bảo vệ lớp sơn bên ngoài. Hạn chế đỗ xe dưới tán cây lớn, đề phòng cây gãy đổ.
– Rửa xe cũng có thể giúp bảo vệ lớp sơn. Nếu chủ xe rửa xe với vòi nước áp lực cao tại nhà, lưu ý để vòi cách bề mặt sơn từ 40 cm trở lên để tránh hư hỏng cho bề mặt sơn.
2. Ắc-quy mùa dịch
Để tránh hao tổn điện không cần thiết và làm ắc-quy yếu:
– Tắt hết các thiết bị điện trong xe.
– Tháo cọc âm ắc-quy nếu đỗ xe lâu ngày (hàng tháng). Với một số dòng xe phổ thông, việc tháo cọc âm và lắp lại không gây ảnh hưởng gì nhưng cũng có nhiều dòng xe, đặc biệt xe sang, có thể khiến phần mềm điều khiển gặp lỗi. Cách tốt nhất là chủ xe nên tham khảo ý kiến từ kỹ thuật viên của hãng trước khi quyết định tháo cọc âm ắc-quy.
– Nổ máy tối thiểu 15 phút để nạp ắc-quy một tuần một lần hoặc 2-3 ngày/lần. Tránh nổ máy khi xe đỗ ở không gian kín như tầng hầm, trong nhà vì khí thải phát ra có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Tắt đèn, điều hòa để nguồn điện nạp đầy vào ắc-quy.
– Kiểm tra tình trạng ắc-quy đúng cách giúp chủ xe linh hoạt trong việc xử lý các tình huống cấp bách. Đối với ắc-quy ướt, kiểm tra mức dung dịch ắc-quy trong tình trạng đủ hay thiếu. Đối với ắc-quy khô, kiểm tra màu mắt báo tình trạng ắc-quy.
3. Lốp xe mùa dịch
Lốp có thể bị bẹp, biến dạng ở điểm tiếp xúc lâu ngày và gây rung, ồn khi sử dụng trở lại. Chủ xe cần:
– Bơm áp suất các lốp cao hơn mức tiêu chuẩn đôi chút nếu đỗ xe lâu ngày. Tài xế quan sát thông số về áp suất lốp trên thành lốp để căn chỉnh áp suất phù hợp. Khi sử dụng xe trở lại, hạ áp suất lốp về mức khuyến nghị của nhà sản xuất.
– Cứ vài ngày đến một tuần, tiến/lùi xe trong khoảng cách ít nhất 10 m để “massage” cho lốp, tránh bị méo, nứt và giữ độ đàn hồi cho cao su.
4. Động cơ, hộp số, vi sai
Những bộ phận này có thể hoạt động không trơn tru nếu không được bôi trơn đầy đủ. Tài xế cần:
– Lái xe tiến/lùi ít nhất 10 m để bôi trơn hộp số/vi sai
– Nổ máy với vòng tua dưới 1.500 ít nhất 15 phút
– Đạp ga mạnh ít nhất 10 lần để đẩy hơi ẩm trong ống xả ra ngoài
– Đổ xăng đầy bình để hạn chế hơi ẩm xâm nhập.
5. Điều hòa mùa dịch
– Thiếu bôi trơn do lâu ngày không hoạt động có thể hay hỏng máy nén điều hòa.
Bước 1: Nổ máy, tắt điều hòa, quạt gió
Bước 2: Chờ tốc độ động cơ ổn định dưới 1.000 vòng/phút
Bước 3: Bật điều hòa và quạt gió ở mức cao nhất trong ít nhất 2 phút
– Đậu xe lâu ngày và đóng kín cửa sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển, gây mùi hôi cho khoang nội thất xe. Tài xế nên bật hệ thống điều hòa ở chế độ hút ẩm vừa giúp kiểm tra vận hành của hệ thống, vừa giúp khử ẩm cho hệ thống điều hòa cũng như không gian nội thất xe.
6. Phanh
Bề mặt đĩa phanh có thể hoen gỉ, má phanh kẹt, bó cứng nếu lâu ngày không sử dụng, đặc biệt trong thời tiết mưa ẩm.
– Nếu có không gian rộng, tài xế chạy xe và rà nhẹ phanh để làm sạch bề mặt đĩa phanh
– Với xe hybrid, hãy về số N trước khi rà phanh. Nếu vẫn để D, hệ thống phanh tái tạo năng lượng sẽ dồn năng lượng phanh vào pin, khi ấy năng lượng đẩy má phanh vào đĩa phanh sẽ giảm bớt, vì vậy tiếp xúc lỏng lẻo, tác dụng làm sạch không nhiều. Khi về N, phanh sẽ đơn thuần như trên xe xăng nên hiệu quả làm sạch tốt hơn.
– Hạ phanh tay và sử dụng dụng cụ chèn lốp. Nếu xe lắp phanh tay điện tử thì hủy kích hoạt. Với xe số sàn MT về số N, xe tự động AT về số P. Cách chèn lốp là chặn bánh xe cho cả hai hướng của bánh trước (trái) và bánh sau (phải) hoặc ngược lại (kiểu so le).
– Trước khi sử dụng lại cần kiểm tra phanh, bộ phận an toàn quan trọng bậc nhất trên xe. Khi kiểm tra, không khởi động động cơ, đạp nhồi chân phanh 3-4 lần để kiểm tra sơ bộ hệ thống phanh. Nếu chân phanh đàn hồi tốt sau khi nhồi thì hệ thống phanh bình thường; ngược lại cần liên hệ ngay nhân viên kỹ thuật để nhờ hỗ trợ.
7. Gầm xe và khoang động cơ
– Thường xuyên kiểm tra gầm xe để phát hiện các chi tiết hoen gỉ hoặc rò rỉ nhiên liệu. Sử dụng bình xịt chống hoen gỉ để bảo vệ các chi tiết.
– Thường xuyên kiểm tra khoang động cơ để tránh chuột/côn trùng làm tổ và cắn phá các chi tiết trên xe. Có thể vệ sinh nhưng tránh dùng vòi nước áp lực cao xịt thẳng khoang máy.
– Kiểm tra các dung dịch bên trong khoang động cơ, bao gồm: dầu bôi trơn động cơ; dầu phanh, dầu ly hợp (đối với xe MT), nước rửa kính, bình nước phụ (nước làm mát) và dầu trợ lực lái.
8. Nội thất
– Tránh để các vật dụng dễ cháy, nổ trong xe như bật lửa, chai nước…
– Ngắt các thiết bị điện không cần thiết như camera hành trình, sạc điện thoại…
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và lệnh giãn cách xã hội, nhiều đại lý ôtô ở các tỉnh, thành phố tạm ngưng hoạt động. Tuy nhiên, các đại lý cho biết đều có 1-2 nhân viên kỹ thuật trực công việc để đề phòng các trường hợp khẩn cấp. Đây là đầu mối cho chủ xe liên hệ để nhờ hỗ trợ, tư vấn khi cần thiết.
OBD Việt Nam nâng tầm Gara Việt- nâng cao chất lượng, sự uy tín và niềm tin đối với khách hàng.
Công ty Cổ phần OBD Việt Nam
- Mọi chi tiết xin liên hệ: 1800 64 64 47
Kết nối với chúng tôi để nhận những thông báo mới nhất
- Website: Công ty cổ phần OBD Việt Nam
- Fanpage: Giải pháp nâng tầm gara Việt