Động cơ Diesel không dùng bugi đánh lửa để đốt cháy nhiên liệu như động cơ xăng, mà nhiên liệu được bơm vào, nén dưới áp suất lớn và tự bốc cháy. Khi thời tiết lạnh, nhiệt độ động cơ thấp, vòng tua máy khi khởi động nhỏ (khoảng 100vòng/phút) làm tăng tổn thất nhiệt trong kỳ nén của động cơ nên nhiên liệu được phun vào buồng đốt rất khó có thể tự bốc cháy. Để giải quyết vấn đề đó, các nhà sản xuất đã sử dụng hệ thống sấy sơ bộ gồm hai loại: loại sấy buồng đốt (bugi sấy) và loại sấy khí nạp (giàn sấy dạng may so).
Loại thứ nhất được dùng phổ biến trên các dòng xe cỡ nhỏ do có ưu điểm nhỏ gọn, tổn hao điện năng ít và dễ dàng thay thế bảo dưỡng. Loại còn lại thường dùng cho các máy công trình và xe tải hạng nặng.
Đối với động cơ sử dụng bugi sấy, hệ thống sấy chỉ hoạt động để hỗ trợ khởi động. Còn đối với loại sử dụng bộ sấy khí nạp sơ bộ thì sau khi động cơ đã nổ bộ phận này vẫn hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định (nhiệt độ động cơ đạt mức cần thiết) để đảm bảo động cơ không chết máy.
Các loại bugi sấy
Không có chức năng quan trọng như bugi đánh lửa trên động cơ xăng nhưng do giá thành khá cao, người sử dụng cần tìm hiểu trước khi chọn mua chứ không nên “nhắm mắt đưa tay”.
– Loại động cơ: Bugi sấy dùng cho động cơ turbo khác với loại dùng cho động cơ không có turbo và theo khuyến cáo nhà sản xuất là không được dùng lẫn hai loại này với nhau. Loại dùng cho động cơ có turbo thường có thêm chữ “P” trên dãy thông số.
– Điện áp sử dụng: Có hai loại chính, một loại sử dụng điện áp 12V (cho xe con) và một loại dùng điện 24V (cho xe tải). Ngoài ra, một số xe còn sử dụng loại 5,6V hoặc 9V để sấy cực nhanh giúp xe dễ khởi động hơn.
– Kích thước: Cũng giống như bugi đánh lửa, bugi sấy cũng có kích thước khác nhau tùy theo từng loại động cơ và từng nhà sản xuất.
– Bugi nóng, bugi lạnh: Mỗi loại động cơ đều được tính toán sử dụng bugi sấy có công suất phù hợp để sấy nóng buồng đốt và khả năng chịu nhiệt khi động cơ hoạt động ở chế độ công suất lớn nhất. Vì vậy, việc sử dụng sai (ví dụ dùng bugi sấy dành cho động cơ dung tích nhỏ vào một động cơ dung tích lớn hơn) sẽ không mang lại hiệu quả cao và làm giảm tuổi thọ của bugi.
Các hư hỏng của bugi sấy thường thấy
- Cháy bugi sấy do thao tác sai (bật đi bật lại quá nhiều lần trước khi khởi động) hoặc bộ định thời gian sấy bị hỏng, hoặc thay thế không đúng chủng loại, chất lượng thấp.
- Bugi sấy không hoạt động khi bật chìa khóa điện do các tiếp điểm của rơ-le tiếp xúc kém, hỏng bộ định thời gian sấy hoặc dây dẫn bị đứt ngầm bên trong, cháy cuộn dây của rơ-le sấy.
- Đèn báo sấy trên bảng táp-lô luôn sáng, thời gian sáng lâu, hoặc không sáng khi bật chìa khóa điện cũng là dấu hiệu cho thấy hệ thống sấy động cơ đang có vấn đề.
- Khó khởi động động cơ khi máy còn lạnh.
>> Các kiến thức về sửa chữa ô tô
*Khuyến cáo: Không nên chọn bugi sây nhái kém chất lượng , giá quá rẻ, bởi khi sử dụng gây ra những phiền toái nghiêm trọng như bị nổ đầu sấy, đứt gãy đầu sấy lưu lại trong mặt máy, rơi vào buồng đốt rất nguy hiểm.