Việc sửa chữa xe ô tô đời mới ngày nay không chỉ đơn thuần là kinh nghiệm. Rất nhiều lỗi, pan bệnh chỉ dùng kinh nghiệm khó để tìm ra nguyên nhân,mất khá nhiều thời gian. Vậy làm sao để kiểm tra, chẩn đoán bắt bệnh ô tô nhanh chóng?
Vấn đề quan trọng nhất là phải tìm đúng và nhanh nguyên nhân. Khi đã định đúng “bệnh” của xe thì mới có phương pháp sửa chữa đúng đắn; nhằm bảo đảm việc sửa chữa nhanh chóng, hiệu quả; tránh “tổn thất ngoài dự kiến” cho xe và chủ xe do “sửa chữa mò”, sửa chữa không có phương pháp gây ra. Thời gian khách chờ đợi rút ngắn, nâng cao được chất lượng dịch vụ và niềm tin khách hàng.
Nguyên nhân lỗi phải được xác định thông qua các phương thức đo và kiểm tra thích hợp. Có 2 loại lỗi pan bệnh cơ bản được phân loại như sau:
- Lỗi thường trực: Đây là những lỗi luôn xuất hiện và tồn tại cho tới khi được khắc phục.
- Lỗi ngẫu nhiên: Chỉ xảy ra trong điều kiện vận hành nhất định. Ởmáy kiểm tra thì không xuất hiện, hiển thị sai, triệu chứng không rõ ràng. Những lỗi này khó nhận biết.
Cách tìm bệnh của ô tô một cách hệ thống:
Muốn tìm ra lỗi nhanh và hiệu quả, nên tuân theo thứ tự sau:
- Dữ liệu xe
Phải luôn ghi nhận những thông số dữ liệu trong giấy tờ xe như số khung sườn hay ngày đăng ký lần đầu, từ đó tìm ra tài liệu hướng dẫn sửa chữa của hãng (repair manual, workshop, shop manual,…)
- Những thông tin từ khách hàng
Khoanh vùng lỗi dựa trên những mô tả về lỗi từ khách hàng và qua những câu hỏi có chủ đích. Thí dụ: Trong những điều kiện nào và khi nào thì lỗi xảy ra?
- Kiểm tra bằng mắt và kiểm tra tiếng ồn
Quan sát những dấu hiệu quan trọng liên quan đến lỗi và các bộ phận, thí dụ như rò rỉ chất lỏng hay dầu mỡ, kết nối thanh truyền bị hỏng, dây cáp hay giắc cắm bị đứt hay vỡ. Cần tìm ra được nơi phát ra những tiếng kêu lạch cạch.
- Chạy thử
Chạy thử xe với khách hàng để nhận biết lỗi nếu cần.
- Đọc bộ nhớ lỗi
Với những hệ thống có chức năng tự chẩn đoán, cần đọc bộ nhớ lỗi để có thông tin về lỗi trên xe
- Những cách tìm lỗi khác
Nếu lỗi không có trong bộ nhớ lỗi của xe (tức không hiện mã lỗi khi cắm máy chẩn đoán) hoặc xe không có khả năng tự chẩn đoán, cần tiến hành kiểm tra bằng cách tháo gỡ các bộ phận hay đo các tín hiệu điện cần thiết.
Để hiểu rõ hơn về kỹ thuật chẩn đoán ô tô, xem tại đây!
Phương thức Kiểm tra- Chẩn đoán- bắt bệnh
Để có thể kiểm tra được chức năng của các hệ thống con hay các bộ phận của chúng, phải kiểm tra các trị số hiệu chỉnh hiện thời cà nếu cần thiết thì hiệu chỉnh lại hay phải thay toàn bộ cả bộ phận. Dựa trên các trị số đo được, kỹ thuật viên suy ra kết luận chẩn đoán và cách sửa chữa. Kỹ thuật viên cần các tài liệu như sơ đồ tổng quan để xác định vị trí của các bộ phận, sơ đồ chức năng để hiểu rõ chức năng làm việc, những quy định và số liệu của hãng sản xuất, sơ đồ mạch điện và các dụng cụ đo, kiểm tra cần thiết. Cần phân biệt phương thức đo đạc và kiểm tra về cơ hay về điện.
- Phương thức đo đạc và kiểm tra cơ học
Phương thức này được dùng cho những lỗi xảy ra trong những hệ thống cơ học của xe cơ giới, như động cơ, bộ truyền động, khung gầm hay thân vỏ. Nguyên nhân lỗi có thể là do các bộ phận bị nứt vỡ hay cong được gây ra bởi sự mài mòn, tải trọng quá cao, vật liệu bị mỏi, lỗi trong vật liệu hay nhiệt độ quá cao.
- Phương thức đo đạc và kiểm tra về điện
Những lỗi xảy ra trong những hệ thống điện và điện tử của xe thí dụ như hệ thống chiếu sáng, hệ thống tiện nghi, hệ thống quản lý động cơ hay bộ truyền động,… có thể do dây điện bị đứt, các linh kiện điện hỏng hay bị ăn mòn. Những trường hợp này cần các dụng cụ đo và kiểm tra điện và điện tử, thí dụ:
- Đèn điôt
- Đồng hồ đo điện đa năng
- Dao động ký
- Thiết bị chẩn đoán ( thiết bị kiểm tra hệ thống xe )
- …
Hy vọng những thông tin kiến thức tham khảo trên giúp các bác có thêm kỹ năng trong quá trình bảo dưỡng sửa chữa ô tô.